Hình thành và phát triển

 

ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN DUY HIỆU (1847 – 1887)

Nguyễn Duy Hiệu

Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 25 km về phía Tây, cách thành phố Hội An khoảng 5 km về phía Bắc, có làng nghề gốm sứ truyền thống nổi tiếng, đó nguyên là làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nơi đã sản sinh ra vị Anh hùng giàu lòng yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, thủ lĩnh kiệt xuất của Nghĩa hội Quảng Nam (1885 - 1887), một trong những văn thân yêu nước tiêu biểu trong phong trào Cần Vương vào cuối thế kỉ XIX.

      Năm Đinh Mùi 1847, niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 thuyền chiến của quân viễn chinh Pháp đã đến gây hấn ở cửa Hàn (Đà Nẵng), tại một làng quê nổi tiếng nghề gốm sứ truyền thống thuộc ấp Bến Trễ, làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, Nguyễn Duy Hiệu được chào đời trong một gia đình thuần nông, rồi lớn lên trong lúc nhà Nguyễn đang lâm vào cảnh thoái trào trên đường dẫn đến chỗ suy vong mất nước.

      Sinh thời, đã nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, Nguyễn Duy Hiệu bước vào con đường khoa cử khá sớm: Năm 14 tuổi (1861) Nguyễn Duy Hiệu xứng danh “ tuyên đệ nhất Tú Tài”, năm 29 tuổi (1876) đỗ Cử nhân, năm 32 tuổi (1879) đỗ Phó bảng. Trên bước đường quan lộ, năm 35 tuổi (1882) được bổ dụng làm Giảng tập dạy Hoàng tử Ưng Đăng, tức là vua Kiến Phúc sau này.

Khi súng giặc vang rền, triều đình Huế thì nhu nhược, quan lại đa số ươn hèn, các tỉnh thành lần lượt rơi vào tay giặc. Mùa thu năm Giáp Thân 1884, Nguyễn Duy Hiệu lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, cáo quan về quê. Xét tưởng nghĩ đến công lao của bậc mô phạm dày đức độ, vua Hàm Nghi xét ban cho ông chức Hồng Lô Tự Khanh, vì thế trong dân gian thường quen gọi ông bằng cái tên hết sức thân mật và đầy kính trọng là “Hường Hiệu”.

      Sau biến cố ngày 4 tháng 7 năm 1885, kinh thành Huế bị thất thủ, Phụ chính Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở ( Quảng Trị ), ngày 13 tháng 7 năm 1885 Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi các văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên vì vua mà kháng chiến. Hưởng ứng chiếu Cần Vương khắp nơi trong nước nổi dậy kháng Pháp. Tại quê nhà Quảng Nam, Nguyễn Duy Hiệu liền cùng với các bằng hữu, các hào kiệt của quê hương, kết nạp nghĩa binh, thành lập “Nghĩa hội Quảng Nam” trên danh nghĩa phò vua Hàm Nghi cứu nước, do Tiến sĩ Sơn phòng Trần Văn Dư làm Chủ soái, Nguyễn Duy Hiệu làm Phó soái. Sau khi Tiến sĩ Trần Văn Dư bị giặc giết, Phó soái Nguyễn Duy Hiệu được nghĩa quân tôn làm Thủ lĩnh phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Nhờ tài tổ chức và lãnh đạo kiệt xuất, Nguyễn Duy Hiệu đã xây dựng đại bản doanh ở Tân Tỉnh (Trung Lộc - Quế Sơn ) như một triều đình thu nhỏ, tổ chức chính quyền kháng chiến rộng lớn, liên lạc với phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh và tiến hành thống nhất Cần vương ba tỉnh Nam - Ngãi - Định. Với chiến thuật du kích và cách đánh linh hoạt, nghĩa quân đã lập được nhiều chiến công vang dội: Nam Chơn, Bãi Chài, Gò Muồng, Bình Sơn... gây cho giặc Pháp và tay sai nhiều tổn thất, danh tiếng của Nguyễn Duy Hiệu ngày càng vang xa, nhân dân càng tin tưởng vào sự nghiệp cứu nước của ông. Thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh vô cùng hoảng sợ, chúng phải tập trung lực lượng lớn đánh phá điên cuồng. Mặc dù ở trong điều kiện bất lợi về mọi mặt, nghĩa quân vẫn chiến đấu kiên cường. Khi thế cùng lực kiệt, biết không thể xoay chuyển được tình thế, Chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu đã nghĩ đến tương lai đất nước, bảo toàn tổ chức, bảo toàn đồng chí để chờ cơ hội về sau, Nguyễn Duy Hiệu đã bàn với Án sát sứ Phan Bá Phiến giải tán Nghiã hội. Sau khi phân tán nghĩa quân, tiêu huỷ tòan bộ tài liệu và vạch định kế hoạch cho tương lai, Chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu đã trở về quê cư tang mẹ, rồi tự để cho giặc bắt. Trước kẻ thù, Chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu vẫn tỏ chí khí buất khuất, đã tự nhận hết trách nhiệm về mình. Không thể thuyết phục được ông, giặc đã đưa ông ra pháp trường An Hòa - Huế thọ hình vào ngày 1 tháng 10 năm 1887 nhằm ngày rằm Trung thu năm Đinh Hợi, khi tuổi đời 40. Trước khi lâm hình, ông ứng khẩu hai bài thơ tuyệt mệnh tỏ chí khí gởi lại cho đời sau./.

Q-Office
Cổ đông marathon
Cổng thông tin điện tử thành phố Tam Kỳ
Đường link web Trao đổi nội bộ
Phòng nội vụ thành phố Tam Kỳ
E-Learning
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây